Trường Đại học Nam Cần Thơ hỗ trợ cộng đồng thực hành giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Bên cạnh sứ mệnh về giáo dục và đào tạo, giúp đỡ cộng đồng cũng là một trong những sứ mệnh được Trường Đại học Cần Thơ quan tâm và thực hiện rất tốt. Ngoài hoạt động sôi nổi, nhiệt tình của Đoàn thanh niên của các khoa, các đơn vị trực thuộc nhà trường, giảng viên và sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường cũng có những đóng góp thiết thực trong nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng địa phương giảm quyết vấn đề rác thải nhựa.

Đáng kể đến là hoạt động phối hợp cùng với Dự án “Dự án Vì sông Mê Kông không rác – thí điểm kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi Cần Thơ”. Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý rác thải đối với các cộng đồng địa phương sống trên sông, Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD), với sự ủng hộ và đồng hành của người dân địa phương và Trường Đại học Nam Cần Thơ, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Cần Thơ, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thành phố Cần Thơ và chính quyền địa phương hai Quận Bình Thủy và Cái Răng. Trong thời gian thực hiện Dự án, sinh viên trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hành thu gom và phân loại rác định kỳ 2 tuần/ lần. Ngoài ra, giảng viên ngành Môi trường của Trường cũng tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn địa phương thực hành các giải pháp giúp giảm thải, tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm thủ công. Các sản phẩm tái chế này có thể kinh doanh tại các điểm du lịch ở địa phương, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mang lại thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Một số hình ảnh giảng viên và sinh viên DNC hỗ trợ cộng đồng, thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và hướng dẫn cách thực hiện phân loại rác, tái chế rác thải

Qua những biện pháp như tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, bước đầu xây dựng thói quen phân loại, thu gom rác và xử lý rác hữu cơ hiệu quả đã đạt được những kết quả đáng kể. Sau một năm triển khai, từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023, qua việc tổ chức các hoạt động phân loại, thu gom và xử lý rác thải, cùng với việc triển khai các mô hình thí điểm xử lý rác hữu cơ hiệu quả. Người dân địa phương đã dần quen với các giải pháp giảm thiểu và xử lý rác thải hiệu quả tại hộ gia đình, như tận dụng rác hữu cơ để ủ phân với mô hình Vòng tròn chuối; ủ nước tẩy rửa sinh học bằng vỏ trái cây; tận thu nông sản cho bếp ăn từ thiện; hay tận dụng phụ phẩm nông sản để chăn nuôi, vỏ dừa để làm chất đốt,… Đến nay, đã có hơn 30 tấn nông sản được đưa đến các bếp ăn; khoảng 13 tấn vỏ dừa được thu gom làm chất đốt, và 150 tấn phụ phẩm nông sản đã được thu gom và sử dụng hiệu quả cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức hệ thống thí điểm thu gom, vận chuyển rác từ các ghe dân sinh trên chợ nổi Cái Răng và ở cồn Sơn. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, 338 tấn rác có giá trị thấp đã được thu gom, vận chuyển tới điểm xử lý rác tại của thành phố.

Bên cạnh các hoạt động trên, Trường Đại học Nam Cần Thơ còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, định hướng phát triển bền vững. Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp giảng viên tham dự các hội thảo liên quan quản lý môi trường, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, giảng viên nhà trường đã đóng góp nhiều bài tham luận, bài báo cáo tại các hội thảo quốc tế và trong nước về giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, định hướng phát triển theo hướng bền vững. Một số hội thảo, tọa đàm điển hình như Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Ứng dụng vào phát triển nền kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Đại học Nam Cần Thơ tháng 11/2023, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Ứng dụng công nghệ phát triển chuỗi cung ứng du lịch bền vững” tháng 6/2023 tại Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh – Phân hiệu Vĩnh Long, Hội thảo Quốc tế “Leveraging Carbon Markets for Sustainable in Viet Nam” tại Trường Đại học Trà Vinh, Hội thảo cấp thành phố “Kiểm kê khí nhà kính trong doanh nghiệp hướng đến Net Zero Carbon” tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cần Thơ,…